BÀI TUYÊN TRUYỀN; 11 BIẾN CHỨNG CÚM MÙA MỨC ĐỘ VỪA VÀ NGHIÊM TRỌNG NGƯỜI BỆNH CẦN LƯU Ý
Biến chứng cúm mùa có thể xảy ra với bất cứ người bệnh cúm nào, nhưng nghiêm trọng hơn với những đối tượng có sẵn bệnh lý nền. Vậy những biến chứng cúm mùa nguy hiểm nào cần lưu ý?
Bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh cúm mùa, bao gồm cả người chưa từng mắc các bệnh mạn tính. Trong đó, những nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng cúm mùa nếu mắc bệnh gồm:
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi: Đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi [1] có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng của cúm mùa. Trong khi đó, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi mắc cúm mùa có tỷ lệ tử vong cao.
Người trên 65 tuổi: Hệ thống miễn dịch suy giảm do tuổi cao, lão hóa tự nhiên khiến khả năng chống lại tác động của virus cúm kém. Đặc biệt, nếu người cao tuổi mắc các bệnh nền, tỷ lệ mắc cúm mùa và biến chứng càng cao hơn.
Người mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), rối loạn về máu, suy tim, bệnh thận, bệnh gan, bệnh thần kinh, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa… có nguy cơ cao hơn bị biến chứng của cúm mùa.
Người bị suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV/AIDS, bệnh bạch cầu, đang điều trị bằng hóa trị hoặc thuốc ức chế miễn dịch.
Trường hợp khác: phụ nữ đang mang thai, người dưới 19 tuổi đang dùng thuốc chứa aspirin hoặc salicylate trong thời gian dài, người từng bị đột quỵ, người có chỉ số BMI trên 40 kg/m2…
Những biến chứng cúm mùa mức độ vừa và nghiêm trọng cần lưu ý
Dưới đây là những biến chứng cúm mùa người bệnh cần lưu ý:
1. Nhiễm trùng xoang và tai
Đây là biến chứng cúm mùa do hệ miễn dịch suy yếu, tạo điều kiện cho virus tấn công vào các tế bào niêm mạc. Từ đó dẫn tới nhiễm trùng xoang với triệu chứng chảy nước mũi màu vàng hoặc xanh, nghẹt mũi, ho và khó chịu ở bên dưới mặt.
Đồng thời, do tai kết nối với cổ họng thông qua ống Eustachian (có vai trò duy trì sự cân bằng của tai giữa) nên cũng dễ bị nhiễm trùng tai. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở trẻ em do ống Eustachian của trẻ ngắn hơn so với người lớn. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có biểu hiện đau tai, mất thính lực tạm thời và giảm khả năng giữ thăng bằng.
2. Viêm phổi
Đây là một trong những biến chứng cúm mùa nghiêm trọng và có khả năng cao xảy ra với trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai hoặc người suy giảm hệ miễn dịch. Biểu hiện viêm phổi do virus cúm gồm ho ra chất nhầy màu xanh lá hoặc vàng, sốt, khó thở, đau đầu và đau cơ. Ở mức độ nhẹ, rất khó phân biệt bệnh với triệu chứng cúm thông thường.
viêm phổi là biến chứng cúm mùa
Viêm phổi là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh cúm mùa.
3. Viêm phế quản
Virus cúm xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên rồi lan đến phổi, khí quản và phế quản. Từ đó dẫn đến viêm phế quản cấp tính. Biến chứng cúm mùa này gây ra triệu chứng ho có đờm, khó thở và thở khò khè. Trong đó, tình trạng ho thường kéo dài hơn 3 tuần.
4. Viêm cơ tim
Virus cúm mùa xâm nhập vào cơ thể có thể tấn công cơ tim, gây viêm cơ tim. Tùy theo mức độ tổn thương mà triệu chứng có thể diễn tiến âm thầm hoặc xuất hiện rõ rệt. Ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ gặp tình trạng mạch đập nhanh, không thể đo huyết áp, sốc tim và da tím tái. Nếu không được xử lý kịp thời, bệnh có thể gây rối loạn nhịp tim, suy tim, thậm chí đột tử do tim (SCD) [2].
5. Viêm não
Viêm não là biến chứng cúm mùa hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Bệnh gây tình trạng sưng và viêm ở não, khiến người bệnh mất tập trung, giảm khả năng ghi nhớ, thậm chí co giật. Những đối tượng gồm trẻ em và người mắc các bệnh thần kinh như động kinh hoặc bại não dễ tổn thương khi gặp biến chứng viêm não do cúm mùa.
6. Viêm cơ, tiêu cơ vân
Triệu chứng viêm cơ do cúm mùa gồm yếu cơ, tụt huyết áp, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, lơ mơ rồi hôn mê… Hậu quả dẫn đến toan chuyển hóa, suy thận cấp và sốc giảm thể tích.
7. Suy đa cơ quan
Virus cúm mùa sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công cơ tim, làm chết tế bào cơ tim và gây viêm nhiễm. Điều này khiến tim mất khả năng cung cấp máu cho các bộ phận khác như não, gan, thận… Hậu quả làm tổn thương đa cơ quan, đặc biệt là hệ thần kinh trung ương và tim mạch, tăng nguy cơ tử vong.
8. Nhiễm trùng huyết
Đây là một trong những biến chứng cúm mùa nặng nề nhất. Bệnh xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng, khiến hệ miễn dịch phản ứng quá mức và tấn công ngược lại cơ thể. Triệu chứng nhiễm trùng huyết do cúm gồm mạch yếu hoặc nhịp tim cao bất thường, cơ thể đau nhức dữ dội, hụt hơi, sốt cao, đổ mồ hôi lạnh… Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, tổn thương sẽ nhanh chóng lan đến các mô, gây suy đa cơ quan và tử vong.
9. Bệnh mạn tính chuyển biến xấu
Khi virus cúm tấn công cơ thể, một số tế bào miễn dịch sẽ được kích hoạt nhằm giảm thiểu virus lây lan. Phản ứng này khiến các bệnh mạn tính như hen suyễn, tiểu đường, COPD hay bệnh tim thêm trầm trọng và gây khó khăn trong việc điều trị.
10. Hội chứng Reye
Hội chứng Reye là biến chứng cúm mùa hiếm gặp và ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, nguy hiểm nhất là não và gan. Hội chứng này khởi phát ở hầu hết trẻ em đang hồi phục sau nhiễm trùng do virus cúm, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi 6 – 12 tuổi. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có những biểu hiện gồm nôn mửa, dễ cáu gắt, mê sảng, co giật và mất ý thức. Nếu không xử lý kịp thời, các triệu chứng có thể tiến triển nặng và đe dọa tính mạng của người bệnh.
11. Biến chứng thai kỳ
Phụ nữ đang mang thai bị bệnh cúm có thể gặp tình trạng sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Mặt khác, thai nhi còn có khả năng mắc những dị tật bẩm sinh như ảnh hưởng đến cấu trúc của thai nhi trong những tháng đầu thai kỳ, trẻ nhẹ cân, bị tim bẩm sinh, hở hàm ếch… Do đó, khi nhận thấy dấu hiệu cúm mùa, mẹ bầu nên thăm khám ngay để được điều trị kịp thời.
cúm mùa có thể ảnh hưởng đến thai nhi
Phụ nữ đang mang thai mắc cúm có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Những dấu hiệu cho thấy người bệnh cúm mùa xuất hiện biến chứng
1. Trẻ em
Biến chứng cúm mùa ở trẻ em thường khởi phát nhanh chóng với những dấu hiệu sau:
Mặt hoặc môi xanh xao, nhợt nhạt.
Tức ngực, khó thở hoặc thở dốc.
Mất nước, môi khô, không có nước mắt khi khóc, không đi tiểu trong vòng 8 tiếng.
Sốt cao trên 40 độ C, không thể hạ sốt dù đã dùng thuốc.
Mất ý thức và không tương tác với các yếu tố tác động dù đang thức.
Triệu chứng sốt và ho có cải thiện nhưng đột ngột tái phát và nặng hơn.
Trường hợp mắc bệnh mạn tính, tình trạng sẽ diễn tiến nặng hơn.
2. Người lớn
Dấu hiệu biến chứng cúm mùa ở người lớn thường khởi phát chậm hơn với các biểu hiện:
Đau ngực, thở gấp hoặc khó thở.
Không đi tiểu trong nhiều giờ liền.
Chóng mặt, suy giảm nhận thức và trí nhớ, phản ứng chậm với các yếu tố tác động bên ngoài, co giật.
Đau cơ nghiêm trọng, không có sức lực cầm nắm đồ vật.
Tình trạng sốt và ho có cải thiện nhưng đột ngột tái phát và nghiêm trọng hơn.
Nếu mắc bệnh mạn tính, triệu chứng bệnh sẽ trở nên nặng hơn.
Cách xử lý khi xảy ra các biến chứng bệnh cúm mùa
Nếu mắc bệnh và thậm chí nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ biến chứng cúm mùa, người bệnh nên đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người khác nhằm tránh lây lan bệnh. Đồng thời, hãy đến cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất để điều trị kịp thời, đặc biệt là với những nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng, gây ra những vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn.
Làm gì để phòng tránh tình trạng cúm mùa?
1. Tiêm vắc xin
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa sự xâm nhập của virus cúm, đồng thời giảm thiểu nguy cơ biến chứng nghiêm trọng cúm mùa. Mỗi người nên chủ động tiêm vắc xin cúm mỗi năm, đặc biệt là trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi [3], phụ nữ đang mang thai, người mắc bệnh mạn tính và người trên 65.
2. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa hàng ngày
Để phòng tránh cúm mùa, có thể áp dụng những biện pháp sau:
Rửa và lau khô tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hắt hơi, ho hoặc xử lý rác.
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Hạn chế dùng tay chạm vào miệng, mũi và mắt.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều trái cây và rau xanh, uống đủ nước.
Giữ vệ sinh cá nhân, nhà cửa và nơi làm việc sạch sẽ.
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, tránh đến những nơi đông người hoặc khu vực ô nhiễm.
Không tự ý mua và sử dụng các loại thuốc điều trị mà chưa có hướng dẫn của bác sĩ.
3. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh
Để tránh mắc cúm, cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Bởi cúm mùa có thể lây lan nhanh qua đường hô hấp, giọt bắn khi nói chuyện, hắt hơi hay sử dụng chung đồ với người bệnh. Tốc độ lây lan rất nhanh chóng, có trường hợp lây bệnh từ thời điểm 1 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng.
Mỗi người cũng cần đi khám sức khỏe tổng quát, sức khỏe hô hấp định kỳ hay ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ cúm.
Biến chứng cúm mùa rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong. Vì vậy, mỗi người nên chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin và xây dựng lối sống khoa học. Trường hợp mắc bệnh hay có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, nên đến thăm khám ở cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời.
Thêm bình luận :